Nan giai nhung bai toan lai xuat trong nam 2016

Một sự kiện đáng chú ý trên thị trường tài chính Việt Nam trong những ngày vừa qua là việc lãi suất huy động tại một loạt các ngân hàng, đang dần có xu hướng tạo thành một cuộc đua về gia tăng lãi suất huy động nhằm chiếm ưu thế giữa các ngân hàng với nhau.

  • Xem thêm: Từ nay đến ngày 06/03/2016, đặt mua thành công Căn hộ Goldmark City khách hàng sẽ được nhận ngay ưu đãi mua trả góp trong 18 tháng với lãi suất 0% hoặc với lãi suất 4,99% cho 36 tháng.
Lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn tại các ngân hàng này đều tăng lên từ 0,1-0,2%, và có lúc cá biệt tăng lên tới 0,4%. Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động hiện tại đang làm dấy lên lo ngại từ phía các doanh nghiệp, khi nó có thể dẫn đến việc gia tăng lãi suất cho vay, mà điều này lại tác động trực tiếp tới tình trạng sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Đây có lẽ không được xem là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Việt Nam, khi năm 2016 được xem là thời điểm hội nhập và Chính phủ đang cố gắng để gia tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, trong đó có vấn đề lãi suất. Một khi không thể giải quyết được bài toán nan giải mang tên lãi suất ngay từ thời điểm đầu năm như hiện nay, thì có thể gây ra tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Ở thời điểm hiện tại, việc các ngân hàng gia tăng mức lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn đang gần như trở thành một cuộc đua thực sự. Ngay từ cuối tháng 2 cuộc chạy đua đã được khởi động, khi mà một số ngân hàng như Eximbank đã đẩy lãi suất huy động lên cao ở các kỳ hạn, mức cao nhất là 8% đối với kỳ hạn dài 36 tháng, tăng 0,4% so với trước đó. 
 

 

Điều tương tự cũng diễn ra ở các ngân hàng khác, như OCB đã tăng mạnh lãi suất huy động ở hàng loạt các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng. Cụ thể, mức lãi suất huy động kỳ hạn 18 tháng lên tới 7,6%/năm, 24 tháng là 7,8%/năm, 36 tháng lên tới 8%/năm. Hay như ngân hàng VPBank, lãi suất huy động đã tăng lên 7,8% với kỳ hạn dài 36 tháng, với số tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên, đồng thời tăng thêm 0,2% đối với các kỳ hạn nếu như khách hàng gửi trực tuyến (online).

Trên thực tế, lãi suất ngân hàng đã bắt đầu gia tăng từ thời điểm cuối năm 2015, do nhu cầu tiền mặt của người dân và doanh nghiệp tăng cao trong dịp cuối năm. Sau khi kết thúc dịp lễ tết Nguyên đán, thì dòng tiền lại bắt đầu chuyển về các ngân hàng từ phía người dân, và để hấp thụ được dòng chảy này hiệu quả nhất có thể thì các ngân hàng bắt đầu gia tăng lãi suất huy động để hấp dẫn người gửi tiền. 

Đồng thời, việc nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu hồi phục và đi vào ổn định từ giai đoạn cuối năm 2015 cũng dẫn đến việc lạm phát có thể tăng trở lại, và dẫn đến người gửi tiền cũng đòi hỏi mức lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, tất cả những nguyên nhân trên dường như chưa đủ để lý giải vì sao các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động ở thời điểm hiện tại, và những tác động mà nó có thể gây ra cho nền kinh tế trong năm 2016.

Điểm qua các gói kỳ hạn được tăng mức lãi suất huy động tại một loạt các ngân hàng, có thể thấy hầu hết các gói kỳ hạn có mức tăng lãi suất huy động lớn nhất đều là các kỳ hạn dài, trên 12 tháng và lên tới 36 tháng. Trong khi đó các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng có mức tăng không đáng kể, trong khi đây lại là kỳ hạn được phần lớn người dân lựa chon khi gửi tiền vào ngân hàng. 

Theo phân tích của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì các mức tăng lãi suất này phần lớn là để phục vụ các kỳ hạn dài và các khách hàng VIP với mức tiền gửi lên tới hàng chục tỷ đồng, còn mức tăng tại các kỳ hạn ngắn thì gần như không mang lại lợi ích cho người gửi, trong đó phần đông là người dân.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này, theo một số chuyên gia, là hệ quả của việc sửa đổi thông tư 36 của Ngân hàng nhà nước. Theo đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay trung-dài hạn giảm từ mức 60% xuống còn 40% và hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản tăng từ mức 150% lên mức 250%. Đây được xem là một biện pháp xiết chặt dòng vốn đang chảy vào thị trường bất động sản hiện đang có dấu hiệu bội thực để hạn chế rủi ro. Điều này đã dẫn đến việc các ngân hàng đẩy mạnh mức gia tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng để bù đắp lại.

Tình trạng các ngân hàng đang lao vào cuộc đua gia tăng lãi suất huy động trung và dài hạn hiện nay đang làm dấy lên sự lo ngại từ phía các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế về khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Theo một số doanh nghiệp thì mức lãi suất cho vay được tính bằng mức lãi suất huy động đầu vào cho khoản vay cộng với một mức từ 3-4,5%/năm tùy vào từng điều kiện cho vay cụ thể. Đây được xem là mức lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay cao và có thể tác động xấu tới sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016.

Đây là một tín hiệu xấu cho nền kinh tế Việt Nam ngay từ thời điểm đầu năm 2016, khi đây được xem là khoảng thời gian lãi suất cho vay cần được giữ ở mức thấp nhất có thể để đẩy nhanh quá trình hồi phục của nền kinh tế vốn có nền tảng từ cuối năm 2015, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước để chuẩn bị cho các hiệp định thương mại lớn như TPP hay các FTA trong thời gian tới. Vì một trong những yếu tố đang tác động mạnh tới khả năng sản xuất kinh doanh và cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa hiện nay là mức lãi suất vẫn đang ở mức khá cao, dù Chính phủ đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều phương diện, thì yếu tố lãi suất vẫn đang giữ một vai trò nền tảng.

Tuy nhiên, việc các ngân hàng đua nhau gia tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài hiện nay, cộng với những diễn biến kinh tế vĩ mô trong thời gian tại Việt Nam, thì ở thời điểm hiện tại việc giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế tăng trưởng đang gặp phải khá nhiều vấn đề.\
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, viện phó viện kinh tế tài chính, học viện Tài chính, cho rằng có một số nguyên nhân chủ đạo dẫn đến tình trạng khó giảm lãi suất cho vay hiện nay. Đầu tiên là tình trạng USD hóa nền kinh tế, khi mà người dân vẫn chưa sẵn sàng nắm giữ VND lâu dài và gửi vào ngân hàng, dù chính sách điều hành tỷ giá mới của ngân hàng nhà nước đang làm giảm xu hướng găm giữ USD của người dân từ đó có thể giảm lãi suất huy động và cho vay, thì điều này cũng cần thời gian để bắt đầu có hiệu quả.

Vấn đề thứ hai dẫn đến khó giảm lãi suất là thâm hụt ngân sách và nợ công. Chính phủ hiện vẫn đang phát hành trái phiếu để giảm thâm hụt ngân sách và để đảo nợ, điều này đang tạo sức ép lên lãi suất vì muốn bán trái phiếu thành công thì mức lãi suất phải cao. Dù ngân hàng nhà nước có thể mua vào nhiều trái phiếu chính phủ hơn để làm giảm sức ép lên lãi suất thì hiệu quả cũng không quá lớn. Ngoài ra những lo ngại về lạm phát sẽ tăng trở lại trong năm 2016 do nền kinh tế về cơ bản đã phục hồi cũng đang khiến cho lãi suất có xu hướng tăng lên chứ không giảm đi.

Tất cả những yếu tố này đang khiến cho lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong vòng 2 tháng đầu năm đang tăng lên đáng kể, và có rất ít dấu hiệu và khả năng cho thấy nó sẽ sụt giảm trong thời gian tới. Điều này đang tác động xấu tới sự hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế. 

Trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước mới tăng 6,6% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 12%. Nếu tiếp tục xu hướng này thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2016 có thể sẽ không đạt mức 6,8-7% như đã dự kiến, thậm chí còn có thể thấp hơn mức 6,7% của năm 2015. 
Ngoài ra, nó cũng mang lại những tác động xấu đối với sự kỳ vọng về việc thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước có một bước nhảy vọt thông qua việc giảm lãi suất và tăng cường hỗ trợ đầu tư từ phía Chính phủ. 

Rõ ràng, trong bối cảnh Việt Nam cần thúc đẩy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nội địa hơn bao giờ hết trong thời điểm bản lề là năm 2016, mà lãi suất lại không những không giảm mà còn gia tăng mạnh như hiện nay là một đòn đau vào sự kỳ vọng của các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế trong nước.