Nghe moi gioi bat dong san, xin dung lam meo mo

Thị trường bất động sản hiện đang sôi động ở nhiều phân khúc. Các công ty dịch vụ môi giới bất động sản lần lượt được thành lập để phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, việc thành lập doanh nghiệp dạng này chưa hẳn là điều tốt bởi khi thị trường vừa đi xuống thì các công ty này cắt giảm chi phí, trong đó nhân sự là giải pháp thường thấy.



Ngoài ra, có không ít công ty môi giới dạng này phải tạm ngừng hoạt động hay tuyên bố giải thể - rút lui khỏi thị trường. Từ đó, lực lượng môi giới ở những công ty này phải tự đi tìm “vùng đất mới”.

Không thể là đa cấp

Chính sách dành cho nhân viên môi giới của các công ty môi giới có phần khác nhau. Nhưng phần lớn là không trả lương cơ bản mà thay vào đó là tỷ lệ chia hoa hồng cao ngất ngưởng. Theo tôi, đó là hình thức của mô hình kinh doanh đa cấp và không nên áp dụng đối với ngành này. Nhân viên phải bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để lên Công ty học - làm việc ngày 8h, tháng 26 ngày. Và nếu tháng đó không bán được hàng thì đành “trắng tay”, tìm việc làm ban đêm như phục vụ, bán hàng để có thu nhập trang trải và cả tiền cafe gặp gỡ với khách hàng.

Các lãnh đạo Công ty môi giới nên nhớ một là hơn 90% dân số trong độ tuổi lao động tại TP.HCM là dân nhập cư”. Vì vậy vấn đề chi phí sinh hoạt, thuê nhà, điện nước luôn là bài toán hóc búa đối với họ. Một doanh nghiệp mà không lo nổi sinh kế cho nhân viên, thì liệu đó là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành như thông tin trên các website doanh nghiệp đã đăng tải, hay như các giải thưởng mà doanh nghiệp được nhận?”.

Dĩ nhiên, với mức thu nhập “khủng” khi bán được hàng mà các công ty đưa ra cho nhân viên là rất hấp dẫn – Một miếng mồi rất “thơm bơ”. Nhưng, có mấy ai được nhắm nháp miếng mồi ngon ấy trong thị trường đầy cạnh tranh khắc nghiệt? Nhiều nhân viên môi giới tại những “doanh nghiệp không lương” dù cắn răng chịu đựng để nhưng khi doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc quá lâu không bán được hàng thì họ đành rời khỏi ngành. Một số khác thì quyết định làm môi giới tự do để chủ động thời gian, chi phí và… “cò” ra đời. 
 
  • CENINVEST NHÀ PHÂN PHỐI ĐỘC QUYỀN DỰ ÁN THE GOLDEN PALM

Cần chính sách

Để nhân viên môi giới an tâm, tin tưởng và sống được với nghề. Thiết nghĩ, lãnh đạo các doanh nghiệp nên nhìn rộng, nghĩ xa hơn và có tâm với nghề. Cần có một chính sách cơ bản cho người lao động nhằm giải quyết vấn đề sinh kế. Đó cũng là một trong những điều nhằm giữ chân nhân lực, nhân tài của ngành mà các lãnh đạo cần lưu ý.

Ở góc độ xã hội, kinh doanh không hẳn là làm giàu cho doanh nghiệp, tăng lợi nhuận tối đa mà còn phải chăm lo đến sinh kế của người lao động. Bởi, họ có sống được với lương, với nghề thì mới dốc hết khả năng, năng lực có thể cống hiến lâu dài và bền vững.

“Bây giờ không ít người lao động ngán ngẫm và mất niềm tin về nghề môi giới. Do đó công tác tuyển dụng nhân sự cũng gặp không ít khó khăn”. Ông Phan Hòa Hiệp, lãnh đạo Công ty Đầu tư và Kinh doanh Nhà Thời Đại chia sẽ.

Nghề môi giới không phải là nghề có mặt bằng lương cao, nhưng đôi khi đem lại khoảng thu nhập “khủng” mà nhiều nhân viên ngành nghề khác phải mơ ước. Nhưng, nếu không trả lương cơ bản cho nhân viên môi giới thì cũng đâu khác gì so với việc họ làm tự do, chỉ chăm chăm bán hàng và bỏ mặc quyền lợi khách hàng, lương tâm nghề nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp môi giới được thành lập mới không hẳn là niềm vui của địa phương và xã hội. Bản chất nhỏ lẽ, manh mún có chút phần “chộp – giựt” của các doanh nghiệp này đã làm méo mó ngành nghề không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh.

Thiết nghĩ, Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam nên sớm đưa ra biện pháp chấn chỉnh lập lại trật tự ngành, nghề. Lấy lại niềm tin cho người lao động hay xa hơn là niềm tin của khách hàng. Nghề môi giới là nghề chân chính, phải được tôn trọng và phát triển đúng với nhu cầu thiết yếu của xã hội tránh tại tiếng “cò” vì những doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận.