Xung dot loi ich va khat vong thinh vuong

Cần đưa vào luật một số quy định mới và sửa đổi các quy định hiện hành để giảm thiểu tình huống xung đột lợi ích, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.

“Kiểm soát xung đột lợi ích (XĐLI) là điều kiện thiết yếu để Việt Nam đạt được khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng với thể chế hiện đại vào năm 2035”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Kiểm soát XĐLI trong khu vực công – Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”.

Gần 70% số DN và cán bộ công chức (CBCC) có biết rõ việc tặng/nhận quà cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc. “Nhiều hình thức XĐLI khác nhau ở khu vực công đã trở thành luật chơi, gây suy giảm hiệu quả và liêm chính trong các thiết chế công”, đây là một bình luận nhỏ trong bản báo cáo chung “Kiểm soát XĐLI trong khu vực công – Quy định và thực tiễn ở Việt Nam” của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới. 



Ảnh minh họa

Bốn hình thức XĐLI phổ biến nhất là tặng quà – nhận quà (quà là tiền, là hiện vật); Đầu tư chia sẻ lợi ích (CBCC đầu tư chia sẻ lợi ích với DN trong lĩnh vực họ quản lý hoặc có liên quan đến lĩnh vực họ quản lý, các DN này hay được gọi là DN sân sau); Sử dụng lợi thế thông tin có được từ vị trí công tác để vụ lợi như để đầu tư, môi giới bất động sản, đầu tư chứng khoán…; và Ra quyết định hoặc tác động để có lợi cho người thân (ra tác động để tuyển dụng người thân…).

Các tình huống XĐLI đang diễn ra tương đối phổ biến ở nhiều khâu của quản lý Nhà nước và trên nhiều ngành, lĩnh vực. Trong đó, 3 lĩnh vực có nhiều XĐLI nhất là quản lý đấu thầu, cấp phép và phê duyệt dự án, bổ nhiệm và tuyển dụng. Tiếp đến là 2 lĩnh vực thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm. Có tới 35% số CBCC đã đối diện với các tình huống XĐLI, kể cả những tình huống vi phạm quy định hiện hành như việc tuyển dụng và bổ nhiệm người thân hay việc tạo điều kiện để người thân có được hợp đồng hoặc dự án.

Trong số 18% số DN có tham gia đấu thầu với cơ quan Nhà nước trong 12 tháng qua, chỉ có 36% cho rằng cuộc đấu thầu đó là khách quan, minh bạch, trong khi 38% tin rằng có “chạy chọt” và 50% cho rằng có sự ưu ái người thân. Nhiều DN tặng quà để không bị “phân biệt đối xử”, trong khi CBCC tặng quà cho cấp trên để thể hiện “sự biết điều”.

Thế nhưng nhiều biện pháp kiểm soát XĐLI theo quy định của pháp luật còn chưa được thực hiện. Có từ 25% đến 40% CBCC được hỏi cho rằng cơ quan họ không thực hiện các biện pháp kiểm soát XĐLI. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết XĐLI là một chế định được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam chưa có.

Chính vì vậy, mục tiêu cuối cùng của báo cáo là khuyến nghị cần đưa vào luật một số quy định mới và sửa đổi các quy định hiện hành để giảm thiểu tình huống XĐLI, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng. Cần có quy định không cho phép CBCC nhận quà tặng dưới mọi hình thức và mọi giá trị, đặc biệt là CBCC trong những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực. Và cần có một hệ thống kiểm soát XĐLI hiệu quả; kiểm soát và loại bỏ các “khoảng trống” trong hoạt động quản lý đối với XĐLI; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vi phạm về XĐLI.
  • CENINVEST NHÀ PHÂN PHỐI ĐỘC QUYỀN DỰ ÁN THE GOLDEN PALM
TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ sung: Tránh XĐLI là một đòi hỏi về công vụ. Một người làm việc ở một thiết chế công thì phải có quy chế đạo đức công vụ. XĐLI ở đại biểu Quốc hội là rất lớn và tầm rất cao. Một đại biểu Quốc hội làm DN thì khi thảo luận về một vấn đề có lợi cho DN cần từ chối tham gia. “Chúng ta không thể nói đến kiểm soát XĐLI mà lại bỏ qua một thiết chế hàng đầu của nước ta, đó là Quốc hội. Nên đưa XĐLI vào trong việc lập pháp và các đại biểu coi đó là nguyên tắc của đạo đức”, ông Dũng phát biểu.