Sàn “chém gió”, chủ đầu tư “ăn đủ”

Từ cột điện đến tin nhắn, từ facebook đến zalo, từ email đến tờ rơi tận nhà…, chưa bao giờ các loại hình quảng cáo môi giới bất động sản lại tràn ngập đến vậy. Cuộc chiến len vào tâm trí khách hàng càng khốc liệt kéo theo không ít chiêu quảng cáo "bá đạo" chưa từng có trong giới bất động sản.

 

 

"Sống chung cùng mẹ chồng" là một trong những "ý tưởng" marketing mới nhất được dân sales bất động sản tận dụng để chế thành câu chuyện mua bán nhà đất. Gợi mở trên banner quảng cáo với câu nói "Chỉ 30 triệu đồng/m2", thông điệp mà quảng cáo này đưa ra "lo gì cảnh sống chung với mẹ chồng".

 

Ban đầu, thông điệp này được đưa ra trao đổi trên một diễn đàn mạng về marketing online. Thế nhưng, sau đó nó nhận được hàng trăm lượt chia sẻ và nhận được hàng ngàn lượt bình luận. Bên cạnh những đánh giá "sáng tạo", "thông minh", quảng cáo cũng nhận được không ít bình luận phản ứng gay gắt khi đưa câu chuyện mâu thuẫn "mẹ chồng - nàng dâu" với việc mua bán nhà đất.

 

Quảng cáo sau đó đã được gỡ đi, nhưng điều đáng nói, do bị gắn tên thương hiệu dự án vào banner, chủ đầu tư dự án này vô tình phải hứng một cơn mưa "gạch, đá" về hành động không do mình gây ra.

 

Nhưng nỗi oan này cũng đành ngậm ngùi mà chẳng biết tỏ cùng ai!

 

Nhìn lại khoảng vài năm, đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất tình trạng xuất hiện các chiêu trò quảng cáo "độc nhất vô nhị" kiểu này.

 

Do cạnh tranh khốc liệt, trong khi chi phí marketing bị cắt giảm, nguồn ngân sách hạn chế đòi hỏi marketer phải sáng tạo hơn xưa. Thay vì tập trung quảng cáo trên truyền hình, báo in một cách hoành tráng, các hoạt động PR được chuyển hướng mang tính trực diện hơn, "shock" hơn.

 

Thế nhưng, cũng vì sự "shock, hot" chạy theo mục tiêu bán hàng và lợi nhuận, các sàn giao dịch, các môi giới hay các "cò" địa ốc vô tình ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và uy tín của các chủ đầu tư.

 

Hầu hết các doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường rất ít khi dùng cách quảng cáo "giật tóc, móc mắt" để tiếp cận khách hàng tiềm năng do không phù hợp tiêu chí sản phẩm (chủ yếu thuộc phân khúc trung và cao cấp). Thậm chí, nếu có sử dụng hình thức quảng cáo này thì chủ đầu tư cũng chỉ sử dụng rất hạn chế trong một số sự kiện đặc biệt, đồng thời không hướng tới việc quảng cáo thương hiệu hoặc bán hàng.

 

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Việc các môi giới “nổ” quá đà về dự án cũng là hệ quả của việc nhiều chủ đầu tư giao khoán việc bán hàng và các hoạt động quảng bá dự án cho các sàn giao dịch. Sự tiện lợi của việc “khoán trắng” đôi khi sẽ phải trả giá bằng sự quay lưng của khách hàng khi dự án được quảng bá không đúng sự thật.

 

Khi đó, thiệt thòi lớn nhất sẽ thuộc về các chủ đầu tư.